Điều kiện tự nhiên - dân cư xã Vũ Nông
Điều kiện tự nhiên -
dân cư
Diện tích đất tự nhiên của xã Vũ Nông
là 3.047,64 m2. Trong đó, đất nông nghiệp 2.771,53m2; đất
phi nông nghiệp 146,75m2 và đất chưa sử dụng 129,37m2. Xã
có 4 loại đất chủ yếu, gồm: Đất cát pha; đất sét; đất nhiễm phèn (một số ở ruộng
Lũng Lèng, Lũng Mọi); đất mùn (rẫy).
Xã Vũ Nông có địa hình chủ yếu là đồi núi. Với
độ cao 997 m so với mặt nước biển, đồi núi chiếm 55 - 60% tổng diện tích toàn
xã. Trong đó, núi đá vôi là chủ yếu với khoảng 34 núi đá lớn nhỏ khác nhau. Đồi
đất chiếm một diện tích nhỏ, xen kẽ là những thung lũng hẹp. Đường đi lại trong
xã chủ yếu là đèo, dốc. Do địa hình phức tạp nên giao thông gặp nhiều khó khăn,
nước sinh hoạt khan hiếm, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Vũ Nông.
Trên địa bàn xã, một số xóm như
Lũng Luông, Lũng
Nọi, Xiên Pèng, Lũng Nặm, Lũng Khoen có nguồn nước nhỏ ở hang để làm nước sinh hoạt. Các xóm còn lại dùng nước mưa để
sinh hoạt. Xã không
có sông, suối, chỉ có lạch nước ở hang chảy ra. Để tận dụng các
nguồn nước trên địa bàn,
xã đã xây dựng hai công trình kiên cố hoá kênh mương là mương
Khuổi Ngoa và mương Lũng Nặm, bảo đảm tưới tiêu hơn 20 ha ruộng.
Vũ Nông có nhiều diện tích rừng. Trong rừng,
có các loại gỗ quý
như nghiến và các
cây trúc, trẩu có giá trị kinh tế cao; các loại
động vật, thực vật quý hiếm như chồn, cáo, dúi, rắn, kì đà….; các loại lâm thổ
sản như mộc nhĩ,
nấm hương, măng trúc, lê... Đó
là những tiềm năng lớn của rừng núi Vũ Nông. Ngoài ra, dưới lòng đất xã Vũ Nông có nhiều khoáng
sản quý hiếm: Điểm vàng
sa khoáng ở Lũng Kim, điểm và mỏ quặng chì - kẽm,…
Vũ Nông nằm trong vùng
khí hậu miền núi nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao nhất là 34°C và nhiệt độ thấp nhất là 4°C. Những năm có
nhiệt độ bất thường thì
nhiệt độ cao nhất lên đến 38°C, thấp nhất là 2°C. Mỗi năm xảy ra 2
- 3 cơn lốc đột ngột
trong khoảng tháng 2 - tháng 6 âm lịch. Mưa nhiều từ tháng 3
đến tháng 7, lượng mưa không đều. Nắng nóng từ tháng 3 đến tháng 7. Lũ
lụt từ tháng 3 đến tháng 6, nước dồn từ những khe núi có độ dốc lớn. Mùa lạnh
kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Sương mù có từ tháng 12 năm trước đến
tháng 3 năm sau.
Hằng năm, sương
muối và băng tuyết thường xuất hiện vào tháng 12 âm lịch đến tháng 1 năm sau,
nặng nhất là năm 1976. Nhìn chung, mùa đông ở Vũ
Nông thường đến sớm, lạnh hơn ở trung tâm huyện và kéo dài; mùa hè mát mẻ.
Vũ Nông là nơi cư trú của
nhiều dân tộc, trong
đó, đông nhất là người
Dao và người Mông. Các dân tộc sống xen kẽ với nhau trong các thung lũng
hoặc các sườn đồi núi. Các chòm xóm phía sau thường dựa vào các chân núi tạo thế
vững chắc, tránh được những luồng gió rét về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
Nhân dân
các dân tộc Vũ Nông canh
tác các chân ruộng bậc thang với phương thức canh tác thô sơ. Những năm gặp hạn hán, mất mùa, đời sống nhân
dân Vũ Nông cơ cực
hơn, phải đào củ mài, hái măng rừng duy trì cuộc sống. Cùng với trồng trọt, người
dân chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, dê, lợn, gà… Những năm gần
đây, kinh tế nông nghiệp của xã có xu hướng biến đổi theo hướng tích cực. Cơ cấu
cây trồng, vật nuôi được mở
rộng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu
thị trường. Đời sống người
dân Vũ Nông từng bước được nâng cao.