Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Truyền thống lịch sử - văn hóa

Truyền thống lịch sử - văn hóa

Truyền thống văn hóa

Người dân Vũ Nông có truyền thống văn hoá lâu đời. Bằng lao động và đấu tranh, người dân địa phương đã xây dựng nền văn hoá dân gian phong phú, đặc sắc của từng dân tộc.

Nghệ thuật thêu thùa, trang sức thể hiện được trình độ thẩm mỹ, óc sáng tạo của dân tộc Dao ở Vũ Nông. Người Dao trên địa bàn xã thường dùng vải chàm thêu thùa các hoa văn trên trang phục, áo làm bằng vải nhung, hoặc xa tanh. Với các gia đình có con gái, trước khi đi lấy chồng, bố mẹ cho ở nhà thêu thùa trang phục trong một năm. Một số gia đình Dao đỏ trong xã gắn bó với nghề may trang phục truyền thống. Trang phục của dân tộc Dao đỏ gồm hai loại là thường phục và lễ phục. Đối với nam giới, trang phục hằng ngày đơn giản với áo nhung đen; lễ phục là áo dài đỏ với họa tiết hoa lá sặc sỡ. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Một bộ trang phục của người Dao đỏ có các màu cơ bản là đỏ, xanh, trắng, đen; trong đó, màu đỏ là màu chủ đạo. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc và may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.

Khác với người Dao, văn hóa trang phục của người Mông trắng ở Vũ Nông mang những bản sắc riêng đậm đà bản sắc tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Trang phục có 2 màu chủ đạo đen, trắng của chỉ tơ tằm và những hạt cườm lóng lánh. Hạt cườm được đính trên mũ, trên tay áo, tấm vải che trước váy và cả xà cạp. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn màu sắc của túi đính cườm, một món đồ không thể thiếu khi đi cùng với trang phục hằng ngày của những cô gái Mông trắng ở Vũ Nông. Hoa văn trong trang phục của người Mông chủ yếu là các hoa văn hình học như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc, mặt trời và thỉnh thoảng có những mô típ hoa văn chưa xác định.

Với người Dao đỏ, ngày 20 tháng Giêng hng năm là ngày cấm, thanh niên, người già, phụ nữ, trẻ em Dao đỏ đi chợ, vui chơi và ca hát. Tiếng khèn, điệu múa của dân tộc Mông, những giai điệu páo dung của dân tộc Dao... đã hoà quyện vào cuộc sống cộng đồng giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh tinh thần, giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm.

Truyền thống đấu tranh

Cùng với truyền thống văn hóa đặc sắc, Vũ Nông còn là vùng đất có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm kiên cường.

Cuối thế kỷ XIX, chế độ phong kiến nhà Nguyễn suy tàn, giặc giã, thổ phỉ nổi lên cướp bóc. Trên địa bàn Cao Bằng, thủ lĩnh Hoàng A Cả đã tập hợp nhân dân đánh tan giặc Cờ đen do tướng Ngô Côn cầm đầu, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Năm 1886, khi thực dân Pháp đánh chiếm châu Nguyên Bình, Hoàng A Cả tập hợp nhân dân đánh trả quyết liệt. Nhiều trận giao tranh diễn ra, chặn đường tiến quân của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Tháng 10/1886, thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng, sau khi chiếm được thị xã, chúng đánh toả ra các châu trong tỉnh. Đối với châu Nguyên Bình, chúng dùng lực lượng quân sự để bình định các vùng nông thôn nhằm thiết lập bộ máy cai trị.

Về chính trị, thực dân Pháp duy trì bộ máy phong kiến cũ, tổ chức các đơn vị hành chính từ châu xuống đến các tổng, xã. Vùng đất Vũ Nông thuộc tổng Kim Mã. Các chức dịch tổng, xã ở Kim Mã đều do thực dân Pháp xếp đặt. Cấp tổng có chánh tổng, phó tổng. Cấp xã có lý trưởng, phó lý, kỳ mục. Là địa bàn sinh sống của các dân tộc Dao, Mông, thực dân Pháp còn đặt ra chức quản chiểu, phó quản chiểu, động trưởng để quản lý ở Vũ Nông. Các thôn bản thôn trưởng, xóm trưởng. Pháp đóng hai đồn bốt chính ở Vũ Nông gồm: Đồn Cao Lù thuộc địa bàn xóm Xiên Pèng và đồn Quang Ò thuộc xóm Lũng Nọi Nưa (xóm Lũng Nọi có Lũng Nọi Nưa và Lũng Nọi Tẩu). Hai đồn này đều có chỉ huy là người Pháp, lính là người Việt Nam, có trang bị vũ khí. Chúng xây lô cốt ở đồn Quang Ò, còn xây bệ bắn ở đồn Cao Lù.

Ở địa bàn không xa Vũ Nông là Tĩnh Túc, chủ mỏ là các sếp Tây, cai, ký trực tiếp quản lý công nhân. Sở mật thám Pháp ở Cao Bằng đặt một phòng giấy đặc biệt ở mỏ chuyên theo dõi, giám sát công nhân, có hệ thống tổ chức quân sự trực tiếp với chủ mỏ. Chúng xây dựng hai đồn, một đồn ở phố Tĩnh Túc, một đồn ở Cao Sơn do lính khố xanh, lính dõng chốt giữ.

Về quân sự, thực dân Pháp duy trì ở cấp châu có châu đoàn, cấp tổng có tổng đoàn, phó tổng đoàn, cấp xã có xã đoàn. Đội lính dõng dưới quyền chỉ huy của quan Tây, được trang bị vũ khí để trấn áp phong trào cách mạng. Bộ máy tay sai của Pháp từ xã đến tổng, châu do người Kinh nắm giữ. Chúng dùng thủ đoạn mua chuộc, khai thác các dòng họ để trói chặt tầng lớp trên của các dân tộc. Qua đó, nắm cư dân để dễ bề cai trị.

Sau khi sắp đặt xong bộ máy cai trị, thực dân Pháp tiến hành khai thác tài nguyên, ra sức bóc lột công nhân, nông dân bằng các hình thức lao động, thuế khoá, phu phen tạp dịch. Đồng thời với việc khai thác tài nguyên, áp bức bóc lột công nhân, đối với nông dân, thực dân Pháp tìm mọi thủ đoạn bóc lột bằng thuế khoá. Chúng đưa ra nhiều thuế khoá khác nhau như thuế đinh, thuế điền, thuế lâm sản…, trong đó thuế thân là loại thuế bất công nhất. Nam giới từ 18 tuổi trở lên hằng năm đều phải đóng thuế thân và được cấp một tờ phiếu “Bang bìa” (thẻ thân). Nếu thiếu thẻ này, chúng đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, mỗi suất thuế thân là 3 đồng 30 xu. Sau năm 1939, do nhu chúng tăng thuế thân và chia thành 4 loại tuỳ theo số ruộng đất nhiều hay ít. Mức thuế nặng mà lại thu vào mùa hạ, lúc mà nhân dân đang làm mùa, lại là tháng giáp hạt túng thiếu. Những ai không nộp được thuế thì bị quy kết tội “trốn thuế, lậu thuế"... bị giam giữ, bị đánh đập, cầm cố gây ra bao cảnh tan nát cửa nhà. Đến kỳ thu thuế, các tầng lớp tay sai có thế lực trong bộ máy chính quyền như lý trưởng, chánh tổng, tri châu, quản chiểu cũng “đục nước béo cò”. Ngoài thủ đoạn bóc lột bằng thuế khoá, người dân lao động Vũ Nông còn phải gánh chịu thêm chế độ phu phen tạp dịch nặng nhọc.

Song song với bóc lột kinh tế, thực dân Pháp còn thực hiện chia rẽ dân tộc và nô dịch văn hóa. Đầu thế kỉ XX, cả châu mới có một trường tiểu học đến lớp hai, chủ yếu dành cho con em gia đình khá giả và các tầng lớp nha dịch. Đại đa số nhân dân lao động Vũ Nông lúc này đều mù chữ.

Sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp tạo nên mối căm thù sâu sắc của công nhân và nông dân địa phương. Đó là cơ sở tiếp thu ánh sáng cách mạng. Trong bối cảnh ra đời của giai cấp công nhân, là địa bàn không xa Tĩnh Túc, nhân dân các dân tộc Vũ Nông sớm tiếp thu ảnh hưởng của cách mạng, tích cực hưởng ứng các cuộc đấu tranh trên địa bàn. Tinh thần yêu nước, quyết tâm chống giặc ngoại xâm của nhân dân Vũ Nông được thể hiện mạnh mẽ và liên tục, đóng góp vào phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, bồi đắp truyền thống bất khuất, kiên cường.

Tin khác
Tin tức
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang